Không nhất thiết phải đến tận xứ Chùa Vàng bạn mới có thể thưởng thức những món ăn nổi tiếng của đất nước này. Ngay giữa lòng Sài Gòn nhộn nhịp, chúng ta vẫn thực hiện được một tour du lịch khám phá ẩm thực Campuchia với chi phí “siêu tiết kiệm”.
Chợ ẩm thực Campuchia giữa lòng Sài Gòn
Chợ Lê Hồng Phong xưa nay vẫn được nhiều người biết đến với tên gọi là chợ Campuchia hay chợ Nam Vang. Ngôi chợ nằm sâu trong một con hẻm trên đường Lê Hồng Phong. Đây là nơi sinh sống của khá nhiều người Việt gốc Campuchia.
Đến ngôi chợ này, bạn sẽ dễ dàng tìm mua các mặt hàng của xứ sở Chùa Tháp, từ quần áo, giày dép, sa-rong, dầu gió, các món trang sức độc đáo đến các loại khô mắm trứ danh Campuchia. Khô cá tra biển Hồ, khô cá sặc, cá trèn, mắm ba khía, mắm bò hóc, lạp xưởng ở khu chợ này đều được nhập về từ Campuchia.
Ngoài các đặc sản kể trên, bạn còn có thể thưởng thức các món ăn đậm phong cách xứ Chùa Vàng như:
• Num bo chóc – tinh túy của ẩm thực Khmer.
Nhắc đến ẩm thực Campuchia, bạn không thể nào bỏ qua được món Num bo chóc – một món bún cá rất đặc trưng phong cách ẩm thực của người Khmer. Thành phần chính tạo nên hương vị đặc biệt cho món ăn này ngoài mắm bò hóc (prahok) còn có ngải bún và trái chúc (2 loại gia vị truyền thống của người Campuchia). Nước dùng của món bún này được nấu từ cá lóc sống trong tự nhiên tạo nên vị ngọt thanh rất hấp dẫn.
Nhìn tô bún vàng ươm từ nước cốt củ nghệ tươi; miếng cá lóc trắng phau, thịt ngọt và dai; thoang thoảng mùi mắm và các loại gia vị đặc trưng chắc là bạn sẽ khó lòng mà từ chối. Rau ăn kèm món này rất đa dạng, bắt mắt, một ít dưa leo thái mỏng, ít đậu đũa, bông súng, rau muống, bắp chuối và đặc biệt là bông điên điển.
Nói về gia vị ăn kèm với món này cũng đặc biệt không kém phần nguyên liệu, thay vì là nước tương hay nước mắm thường thấy trong ẩm thực Việt thì món này được dùng với muối bọt. Muối được pha với một ít dấm và ớt xanh xay nhuyễn tạo thành một hỗn lợp gia vị chua ngọt rất đặc biệt.
Để thưởng thức món này, bạn có thể đến quán Tư Xê – quán có lịch sử hơn 40 năm và chủ quán cũng chính là người Việt gốc Campuchia.
• Thiên đường chè Campuchia
Đến chợ Campuchia mà không thử qua các loại chè trứ danh của đất nước này thì thật là một điều thiếu xót. Chè Campuchia rất đa dạng, nào là chè bí trứng gà, chè hạt me, chè thốt nốt, chè thập cẩm. Mỗi loại chè đều có hương vị rất riêng, tuy nhiên, hầu hết chúng đều được nấu từ đường thốt nốt, nước cốt dừa và sầu riêng.
Một món không thể bỏ qua nữa, đó chính là xôi xiêm, xôi dẻo mềm thơm mùi nếp mới, dậy mùi của lá dứa và hoa lài, béo ngậy nước cốt dừa, vị ngọt của sầu riêng và đường thốt nốt tan trên đầu lưỡi.
• Quà lưu niệm hấp dẫn
Sau khi dạo quanh các khu ẩm thực Campuchia, bạn có thể mua được những món quà lưu niệm “made in Cambodia” với giá “rất hời”. Những chiếc vòng tay, dây chuyền hay khăn rằn, sa-rong, quần áo, giày dép đều rất đa dạng chủng loại cho bạn lựa chọn. Thậm chí còn có cả bia Angkor nổi tiếng, bạn có thể mua chúng kèm với các loại khô mắm làm quà biếu người thân. Ngoài ra, còn rất nhiều mặt hàng hấp dẫn khác.
Chùa Candaransi – nơi “trăng sáng” soi rọi tâm hồn.
Hành trình tiếp theo của chúng ta đó chính là ngôi chùa mang đậm kiến trúc Khmer có lịch sử gần 70 năm tuổi nằm giữa lòng thành phố – chùa Candaransi.
Chùa Candaransi tọa lạc uy nghiêm bên dòng kênh Nhiêu Lộc, chùa được xây dựng và hoàn thành năm 1948. Qua bao nhiêu biến cố, thăng trầm, ngôi chùa này vẫn là điểm tựa tâm linh cho biết bao nhiêu người Khmer xa xứ.
Đây là ngôi chùa theo Phật giáo phái Nam Tông. Trong tiếng khmer, “Candaransi” có nghĩa là “ ánh trăng sáng”. Theo quan niệm của người Khmer, mặt trăng là sự khởi đầu và cũng chính là sự kết thúc, mặt trăng là biểu tượng của sự may mắn, sự thấu hiểu trong tâm hồn.
Trong tín ngưỡng của người Khmer, chùa là nơi vô cùng linh thiêng và quan trọng. Họ quan niệm rằng “sống vào chùa gửi thân, thác vào chùa gửi cốt”. Chùa chính là ngôi nhà lớn, nuôi dưỡng tâm linh trong suốt cuộc đời của họ. Vì thế, lúc còn sống, họ đến chùa để tu tập, răn mình, sống đúng với đạo lý, giáo luật. Khi qua đời, sau khi hỏa tán thi thể người quá cố, họ đem tro cốt vào chùa để luôn được Đức Phật chở che. Ở chùa Candaransi, có một cái am nhỏ, nơi đây có hàng ngàn lọ tro cốt của người Khmer quá cố hằng ngày vẫn được nhà chùa trông nơm, chăm sóc hương khói.
Ngoài ra, ngôi chùa hiện còn lưu giữ một số bộ kinh lá rất độc đáo.
Hằng năm, vào những ngày lễ hội đặc biệt của người Khmer như lễ Chôl Chnăm Thmay, Đôn tà, Khel đôn,… người dân Khmer đang sinh sống trên đất nước ta cùng nhiều người Kinh cũng hành hương về ngôi chùa này cúng lễ. Có thể nói, chùa Candaransi chính là cầu nối văn hóa người Khmer và người Kinh, tạo nên sự đa dạng cho bản sắc dân tộc Việt Nam.
Giữa Sài Gòn sầm uất với biết bao lo toan bộn bề cuộc sống, Candaransi quả là một nơi thích hợp để chúng ta tìm lại sự bình yên trong tâm hồn.
Kết thúc một chuyến du lịch Campuchia ngay tại Sài Gòn chỉ trong một ngày, bạn đã có thể thưởng thức trọn vẹn hương vị ẩm thực Camuchia và trải nghiệm cuộc sống của người dân xứ Chùa Vàng với “giá quá hấp dẫn”. Còn chần chừ gì nữa, chúng ta mau khởi hành nào.
Thông tin chi tiết:
Chợ Lê Hồng Phong : số 374/51 Lê Hồng Phong, P.1, Q. 10, TPHCM.
Chùa Candaransi: 164/235 Trần Quốc Thảo, P.7, Q.3, TPHCM.
Kim Ngân