Những ngày lễ làm nên phong tục đặc sắc của người dân Campuchia

Một lần đến với vương quốc Campuchia sẽ là một lần du khách mở ra cho mình một hành trình khám phá đầy mới mẻ. Đất nước Chùa Tháp xinh đẹp luôn sẵn sàng chào đón bạn với những công trình kiến trúc hàng nghìn năm tuổi, những phố phường lộng lẫycùng với những bãi tắm bên bờ cát trắng phau. Không chỉ có thế, người dân Campuchia luôn tự hào với bạn bè thế giới về những lễ hội truyền thống và đặc biệt là những phong tục tập quán rất đặc biệt và thú vị. Hãy để chúng tôi cùng bạn khám phá những phong tục tập quán đã làm nên một chất rất riêng của Campuchia này nhé.

1. LỄ ĐI TU (Bon Bam Buos)

Theo giáo lý Phật giáo phái Tiểu Thừa của người Khmer, khi người con trai bắt đầu từ lúc 12 tuổi phải đi vào chùa tu, coi như một nghĩa vụ trong đời sống xã hội. Trong mấy năm tu ở chùa, họ sẽ được học tập và được rèn luyện toàn diện để sau này có sự chọn lựa, hoàn tục hay đi tu trọn đời. Người Khmer coi đi tu là cách trả phước đền ơn cho cha mẹ.Vì thế hằng năm “lễ đi tu” được tổ chức đúng vào dịp tết Chol Chnăm Thmây. Nhà có người đi tu sẽ làm lễ để chàng trai từ giã họ hàng, bạn bè và cạo đầu, rồi thay quần bằng chiếc “xà rông”, thay áo bằng khăn vải trắng đắp lên vai từ trái sang phải chứng tỏ từ bỏ thế tục, từ đó chàng trai được gọi là Néak. Buổi tối sư sãi đến tụng kinh, cúng Tam Bảo, đặt pháp danh và cho thọ giới theo đạo. Sáng hôm sau làm lễ nhuộm răng, khi cơm nước xong gia đình đưa người con lên chùa, có bạn bè mang theo lễ vật. Đến chùa, cả gia đình đi vòng quanh chính điện ba lần, rồi mới đi vào làm lễ đi tu cho chàng trai trẻ với sự chứng kiến của sãi trưởng.

Nếu nguyện tu đến bậc Sa di từ 12 đến 20 tuổi, chỉ cần một sãi ngồi chứng minh là được. Nhưng đi tu bậc Tỳ Kheo từ 21 tuổi trở lên, phải có đến 20 tỳ kheo khác đến chứng giám, trong đó có một Sãi già như ở nước ta thường gọi bằng Hòa Thượng, thông tuệ ngồi chứng minh, cùng hai ông sãi coi Phật vụ ngồi giảng, hỏi và đọc các qui định tu hành cho các sư mới nhập đạo nghe.

Tiếp đến người đi tu cầm áo cà sa đi vào giữa hàng sư sãi đọc lời xin cho đi tu. Khi vị sãi già chấp thuận, người đi tu mới thay “xà rông” và khăn trắng bằng bộ áo cà sa, chính thức làm lễ thọ giới và hứa tuân giữ 10 điều răn của Đức Phật Tổ.

Cuối cùng sư sãi, phật tử tụng kinh cầu phước cho người đi tu và chúng sinh để chấm dứt cuộc lễ.

le-di-tu

 2. LỄ CẮT TÓC TRẢ ƠN MỤ

Lễ này được tổ chức sau 7 ngày khi đứa bé được sinh ra. Đây là lễ cắt tóc, cạo đầu và đặt tên cho đứa bé nhằm cầu phúc cho nó mau ăn chóng lớn, sống khoẻ, sống lâu. Lễ cúng trả ơn mụ gồm chè đường, một thúng lúa, một quả dừa, một nải chuối, rượu, gà, vài nút vải và hai mâm cơm, kéo dài nửa buổi hay một ngày.

3. LỄ DÂNG BÔNG

Khi xây dựng cầu đường, chùa chiền… nhằm quyên góp tiền để làm công trình. Buổi tối nhờ sư sãi đọc kinh cầu nguyện, hôm sau mọi người vào dâng cây bông có tiền cột vào để cúng. Người dâng bông sẽ được các sư sãi tụng kinh cầu phước cho cá nhân hay gia đình.

le-dang-bong

 4. LỄ GIÁP TUỔI

Nhằm cúng thần thánh xua đuổi tà ma cho những đứa con trai vừa tròn một giáp (12 tuổi).  Sau khi tụng kinh, người ta đốt cháy sáp trong một đồ đựng bằng kim loại, cho nhang vào, úp chén cho lửa tắt rồi mở ra, cho nước vào khuấy đều, pha thêm dung dịch có mùi thơm mà vẩy lên người đứa con để trừ tà, như vậy là muốn cho đứa con lớn lên sẽ khỏe mạnh, cường tráng (thường lễ này làm chung với lễ đi tu).

5. LỄ LÊN NHÀ MỚI

Sau khi làm nhà xong với mục đích cầu cho gia đình sống mạnh khỏe, hạnh phúc trong căn nhà mới xây dựng. Chủ nhà đi mời hai người già có tuổi, sống hạnh phúc thành đạt đóng vai làm “chủ nhà”, còn chủ nhà đóng vai “khách” đi đường cùng vợ con đến xin ăn ở nhờ. Sau đó”chủ nhà giả” nhường nhà lại cho “khách” ở.“Chủ nhà giả” nói nhờ “khách” ở lại trông dùm nhà, rồi cột tay các vị “khách” như công nhận họ là người giữ nhà và cầu cho họ sống lâu, hạnh phúc, thành đạt trong ngôi nhà mới này. Buổi lễ kết thúc. Sau lễ đọc kinh cầu an.

6.LỄ TỐNG PHONG

thường thấy tổ chức ở vùng biển có nhiều gió, nhằm đuổi gió độc, ôn dịch, ốm đau v.v… Người ta làm một chiếc bè nhỏ ghép bằng thân cây chuối, trên đặt những hình nộm cầm chèo, còn lễ vật là đầu heo, xôi chè, bánh trái trên có dán những lá bùa của thầy cúng. Sau đó, bè được thả trôi xuôi dòng nước để xua tan ôn dịch, dân cư sẽ bình yên

7.LỄ XIN NƯỚC MƯA

mỗi năm sau khi đã cúng ông Tà rồi mà vẫn gặp hạn hán. Người Khmer mời mười vị sư sãi già đến cầu kinh dưới ánh nắng cho động lòng trời. Bên cạnh có một chiếc chậu khô, trong chậu để một con cá lóc. Việc này liên quan đến tích cá lóc là hậu thân của Phật Thích Ca. Trời đại hạn cá lóc đội bùn lên kêu cứu với Ngọc Hoàng, thấy cá lóc là hiện thân của Phật Thích Ca nên ông Trời làm mưa xuống để cứu nạn.