Núi Kulen “vùng đất linh thiêng” ở Campuchia

Núi Kulen (Phnom Kulen) cách Siêm Reap khoảng 50 km về hướng đông bắc, đây là nơi đóng kinh đô đầu tiên của triều đại Angkor dưới triều vua Jayavarman II được xây dựng năm 802.
Với độ cao 300m, cách Siêm Reap khoảng 50 km về hướng đông bắc, núi Kulen được vua Jayavarman II chọn làm kinh đô đầu tiên của đế chế Khmer vào năm 802, mở đầu cho kỷ nguyên Angkor chói lọi. Các công trình thời kỳ này được kiến trúc theo phong cách Hindu.

nui-kulen

Truyền thuyết kể rằng thuyền buôn của Trung Quốc từ xa xưa đã giao thương với xứ Angkor. Một vị thuyền trưởng có phép thuật, lúc trở về thường cho thuyền bay lên trời mà không ai biết. Một lần người đầu bếp tình cờ phát hiện. Ông la lên và thuyền rơi xuống đất, vỡ tan với nhiều trái vải tung tóe.
Sau đó cả rừng cây vải mọc lên, nên dãy núi này mang tên Kulen (có nghĩa là trái vải), còn những mảnh thuyền vỡ văng khắp nơi hóa thành những khối đá vôi kỳ dị bị nước bào mòn, dấu tích sự có mặt của biển hàng triệu năm trước.

nui-kulen1

Cùng với số phận của Angkor, kinh đô này từng một thời gian bị quên lãng giữa rừng núi âm u. Năm 1968, một nhà thám hiểm người Pháp đã phát hiện ra Kulen. Chiến tranh triền miên và vào năm 1980-1990, Kulen trở thành căn cứ địa của Khmer Đỏ. Con đường dẫn lên núi Kulen đầy mìn, rừng rậm âm u và rất nguy hiểm. Mãi đến năm 2000, người ta khai phá một con đường dẫn lên núi, và con đường này trở thành con đường hành hương về nguồn của người Khmer.

nui-kulen2

Đường lên núi Kulen rất hẹp – độc đạo và gập ghềnh đất đá. Từ sáng sớm đến 12g dành cho xe lên, sau 12g đến chiều dành cho xe xuống. Muốn lên đỉnh núi phải đi xe hai cầu. Núi Kulen có 37 chùa cổ mà tiêu biểu hơn cả là chùa Paang Thom, còn gọi là chùa Phật lớn.
Cả ngôi chùa nằm trên một khối đá khổng lồ cao gần 20m, rộng hàng chục mét. Phần trên của khối đá được tạc thành tượng Phật nằm dài 9,7m, cao 3,3m. Bên cạnh là dấu bàn chân trái của thần in sâu trên đá (dấu chân phải của thần nằm trên đỉnh núi Bakheng gần Angkor Thom).
Cả hai dấu chân rộng 0,8m, dài gần 2m và sâu 0,4m. Tương truyền đây là dấu chân của vị thần giúp xây Angkor. Từ chùa Phật lớn, khách thường len lỏi giữa rừng nguyên sinh nhiệt đới, qua những vùng đá nhấp nhô, lắt lẻo, gập ghềnh để khám phá những huyền thoại về vị vua khai sinh ra nền văn minh Angkor rực rỡ. Đây là chỗ vua ngồi thiền còn in rõ dấu, kia là điểm vua chế biến thuốc trường sinh, nọ là giếng tiên nơi vua luyện phép thuật…

nui-kulen3

Vào những dịp lễ, khách nườm nượp đổ về mở hội múa hát hoặc chia thành từng tốp nhỏ đến các tháp để khấn nguyện. Nhiều người hành hương kể rằng: “Đồ đạc để ở đây nhưng qua đêm lại chạy sang nơi khác. Cả người cũng vậy. Tối nằm chỗ nọ nhưng sáng ra ở chỗ kia”. Họ gọi vùng linh thiêng này là “Đất chạy”, là “Chổi quét”, là “Đất của trời”.