Vùng đất Campuchia nổi tiếng một loài cây rất đặc trưng, đó chính là cây thốt nốt. Cây thốt nốt rất hữu dụng trong đời sống của người dân nơi đây. Lá thốt nốt dùng để lợp nhà, thân cây dùng làm cột, còn nước thốt nốt được chắt lọc từ hoa thì dùng để nấu đường.
Cây đơn tính khác gốc, cụm hoa mọc trong tán lá, có cuống ngắn hơn chiều dài của lá. Hoa đực và cái có hình dạng khác nhau: Cụm hoa đực lớn, dài đến 2m, gồm khoảng 8 nhánh hoa; mỗi nhánh mang 3 chùm hoa hình bông, nạc, dài 30-45cm, nhiều lá bắc xếp xoắn ốc và lợp lên nhau; mỗi bông chứa khoảng 30 hoa, Hoa mẫu 3, với 6 nhị. Cụm hoa cái không phân nhánh, có các lá bắc dạng mo bao phủ, trục cụm hoá lớn, nạc, to hơn trục cụm hoa đực, mang nhiều lá bắc hình đấu; những lá bắc phía dưới thường không có hoa; những lá bắc sau mang hoa cái. Hoa cái to hơn hoa đực, mẫu 3; bầu 3 ô.
Quả hạch hình cầu hay gần hình cầu, đường kính 15-20cm, nặng khoảng 1,5- 2,5(-3) kg/quả; khi non vỏ quả màu xanh, khi già màu tím sẫm hay đen; gốc có tồn tại, thường chứa 3 hạt hoá gỗ rất cứng; nội nhũ màu trắng, dạng cùi dừa, có vị ngọt.
Món đường thốt nốt còn được cô lại thành viên dùng để nấu chè hoặc làm phụ gia chế biến thực phẩm và nêm vào các món canh, món kho. Đây cũng là một món quà thường được nhiều khách du lịch chọn mua. Đường thốt nốt được bán rộng rãi trong các chợ hay các quầy hàng thực phẩm và thường được bọc trong lá cọ.
Từ cây thốt nốt, người dân Campuchia còn chế biến ra hai loại đồ uống rất ngon. Một là rượu “thốt nốt chu” (thốt nốt chua) – một loại rượu nhẹ như vang. Hai là nước thốt nốt, được lấy trực tiếp từ cây thốt nốt bằng thủ thuật của riêng của người dân nơi đây. Thức uống này thơm ngon, tuy nhiên chỉ nên sử dụng trong ngày.