Siem Reap – Du lịch về đêm

Khi đến với Siem Reap vào ban ngày bạn sẽ được tham quan các điểm du lịch nổi tiếng nhưng khi đến Siem Reap về đêm thì bạn lại được thỏa sức mua sắm, ăn uống, vui chơi…

Khu phố đêm tây ba lô ở Siem Reap

Pub Street nằm ở trung tâm thành phố Siem Reap, gần chợ, sát bờ sông, nhà cửa san sát, trông khá giống khu Tây ba lô đường Phạm Ngũ Lão, TP.HCM, chỉ khác là nhiều hàng quán và ồn ào hơn rất nhộn nhịp về đêm.


Từ 7 giờ tối, khu phố này cấm xe cộ qua lại, dành đường cho người đi bộ. Bàn ghế của các quán ăn, quán rượu, quán cà phê bày ra cả trên vỉa hè. Đến đây sẽ có cảm giác như đang ở một góc trời Tây nào đó: đi đâu cũng đụng người tóc vàng vàng, mắt xanh, mũi hênh hếch.

Ăn uống tại phố đêm

“Khmer Family Restaurant” (Nhà hàng gia đình Khmer). Một nhà hàng khá đông khách ở phố đêm Pub Street, món cơm Amok ở đây khá ngon.

Amok chỉ là cơm trắng chan nước súp sền sệt màu vàng nấu với tôm, gà, cá hay thịt cùng lòng đỏ trứng gà, nước cốt dừa, đường thốt nốt, nghệ, hành Tây, đậu phộng, ớt chuông, Cointreau với nước tonic hơi nhần nhận đắng và chua để thu hút khách thêm. Cơm được lót lá chuối, kèm chén nước súp. Amok trông giống món cà ri nị nhưng không khó ăn.


Các món ăn thì đích thị một trời châu Á thời mở cửa du lịch với những món Khmer, Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật, Việt Nam, Malaysia… Và đương nhiên cả món Pháp, Ý, Mỹ, phòng khi khách thèm ăn giống như ở quê nhà. Thức uống chủ yếu là đặc sản Campuchia – bia Angkor. Giá cả cũng vừa phải: thấp nhất khoảng 80.000 đồng/loại, cao nhất chừng 200.000 đồng; nước giải khát như Coca Cola thì 40.000 đồng một lon; bia Angkor, chai to 60.000 đồng.

Người du lịch hầu bao eo hẹp một chút có thể dùng cơm tại khu quán lề đường ở Pub Street. Nhiều quán nằm san sát nhau ở ngoài trời, tuy không sang trọng, chỗ ngồi không thoải mái như trong nhà hàng, nhưng chất lượng thì chắc cũng.. thế thôi.

Tiền du khách thường dùng ở Campuchia – riêng tại Siem Reap, là USD của Mỹ; nhưng đồng euro châu Âu, tiền baht Thái Lan, đồng Việt Nam đều sử dụng được. Ở đây, tiền nào cũng là tiền.

Sau bữa ăn du khách thường ghé các quán café nằm rải rác khu Pub Street. Nếu thích không khí sôi động, bạn có thể vào quán rượu, cũng là một phần không thể thiếu ở khu phố này.

Quán Red Piano – nhưng không thấy đàn dương cầm đỏ đâu hết – nằm sừng sững đầu Pub Street, một vị trí đẹp, nên luôn đông khách. Hơn nữa, cô đào Angelina Jolie, năm 2000, khi đóng phim Kẻ đào mộ (Tomb Raider) tại khu đền Angkor, từng nhiều lần ngồi nhâm nhi rượu cocktail với đoàn làm phim ở đây, càng làm cho quán thêm nổi tiếng. Thậm chí sau này, chủ quán còn chế ra loại cocktail mang tên “Tomb Raider” pha trộn rượu ngọt Cointreau với nước tonic để thu hút khách.


Dẫu nổi tiếng nhưng tại Red Piano thức uống không đắt lắm: Bia hơi một ly cối 20.000 đồng, cà phê đen chỉ 20.000 đồng, trà Lipton cũng vậy. Duy chỉ có các loại cocktail thì từ 60.000 đồng trở lên.

Đi du lịch Siem Reap hoặc Phnôm Pênh mà không xem múa Apsara thì quả thật thiếu sót. Tuy nhiên, xem múa chính quy giá cả không dễ chịu, phải đến 400.000 đồng/ người. Có một cách thưởng thức rẻ tiền hơn – chỉ trả tiền bia rượu, là xem tại một số quán hoặc câu lạc bộ ở Pub Street như Temple Club.

Tại Pub Street, một số khách còn để cho cá rỉa chân (gọi là Dr.Fish Massage). Từng tốp, hai đến ba người cùng ngồi xung quanh bể nước và thả chân xuống cho các em cá “chăm sóc”. Chủ cá rất cẩn thận, ghi chú trên biển quảng cáo: “Nếu cá của chúng tôi không làm bạn hài lòng thì chúng tôi sẽ không lấy tiền”. Nghe nói ở Mỹ dịch vụ này đã bị cấm rồi.
Khám phá chợ đêm ở Siem reap
Chợ đêm, mang tên Angkor Night Market, mở cửa từ 4 giờ chiều. Trong chợ có một số tiệm bán nữ trang vàng, bạc và đá quý như ruby, sapphire. Đá thường được khai thác tại các mỏ ở Pailin (Campuchia) hoặc hanthaburi (Thái Lan). Tuy nhiên, những người sành sỏi đã khuyên không nên mua vì dễ bị hớ.

Bán tại chợ – ngoài nữ trang, tựu chung lại chỉ gồm 3 mặt hàng: quần áo, khăn quàng và đồ lưu niệm như tượng Phật, tượng Bayon 4 mặt, tượng Apsara bằng đá, gỗ hoặc đồng thau…
Thu hút phụ nữ nhất có lẽ là quần áo và khăn quàng. Quần áo ở đây chủ yếu nhập từ Thái Lan, nhưng giá lại rẻ hơn. Một chiếc áo đầm, cò kè bớt một thêm hai, cuối cùng đã mua được với giá khoảng 84.000 đồng; trong khi cũng chiếc áo gần giống vậy nhưng khác màu, dài hơn một tí, mua ở Bangkok cách đó 4 tháng, phải trả khoảng 140.000 đồng.
Khăn quàng thì hẳn do người Campuchia sản xuất. Bởi lẽ đó là khăn truyền thống của họ, tên Krama, mà đồng bào gốc Khmer ở miền Nam cũng hay dùng. Khăn này là khăn rằn, thường chỉ có 2 màu đen – trắng hoặc nâu – trắng. Krama không chỉ để quấn cổ khỏi gió lạnh, lau mồ hôi, làm thắt lưng, mà có khi còn được phụ nữ Campuchia sử dụng làm xà rông; nam giới thì quấn thành khố dài…
Khăn rằn bày bán tại chợ đêm, do dành cho du khách nên có nhiều màu hơn. Đây là món hàng được mua nhiều nhất ở đây do giá dễ chịu, loại bình thường chỉ 20.000 đồng, loại cao cấp 200.000 đồng (chưa trả giá). Tại chợ đêm các quầy hàng không hề niêm yết giá; mỗi quầy lại có giá khác nhau cho cùng một sản phẩm. Tốt nhất, bạn nên dạo qua vài quầy để biết sơ qua về giá cả. Và khi muốn mua thì phải trả giá, ở đây ai ai cũng đều nói thách.

Cứ trả giá thoải mái vì không thấy người bán hàng nào ở đây cau có mặt mày, lườm nguýt khách bao giờ, trong 3 lần đến Siem Reap. Ngoài chợ đêm, Siem Reap còn có một khu chợ nổi tiếng nữa với du khách, cũng nằm gần Pub Street: chợ cũ (Old Market nhưng tên chính thức là Psar Chaa – chợ lớn ở trung tâm).
Chợ mở cửa ban ngày, nhưng một số quầy bán đồ lưu niệm thì mở cửa cả vào ban đêm. Ở đây cũng phải trả giá cho mạnh vào. “Họ bán cho người Campuchia chỉ nửa giá bán cho người nước ngoài”, một cô gái Việt Nam sống ở Siem Reap tình cờ gặp tại chợ, cho biết.